Kịch bản nào cho ngành vật liệu xây dựng năm 2021?
-
VỤ TRƯỞNG VỤ VẬT LIỆU XÂY DỰNG - BỘ XÂY DỰNG
THS. PHẠM VĂN BẮC
Với kết quả kinh doanh của ngành vật liệu xây dựng như hiện nay, trong năm tới vẫn có thể đảm bảo tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định. Theo dự báo, năm 2021, ngành vật liệu xây dựng đứng trước hai nguồn cầu lớn.
Dự báo khả quan về thị trường bất động sản với điểm nghẽn được tháo gỡ, thúc đẩy các dự án gia tăng là tín hiệu tốt nhằm thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng tăng trưởng trong năm 2021.
Covid-19 đã trở thành tác nhân làm biến chuyển những dữ liệu tăng trưởng của nền kinh tế. Một báo cáo giữa năm 2020 của Vietnam Report nhận định, ngành xây dựng - vật liệu xây dựng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và chính sách cách ly xã hội.
Một khảo sát của Vietnam Report khi đó cho thấy, 73,9% doanh nghiệp đưa ra quan điểm rằng, năm 2020 kinh doanh sẽ khó khăn hơn và chỉ có 13% doanh nghiệp lạc quan kỳ vọng ngành xây dựng - vật liệu xây dựng tăng trưởng hơn so với năm trước, trong đó có 4,3% cho rằng ngành xây dựng - vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định như năm 2019.
Đến thời điểm hiện tại, bước qua gần 1 năm biến động, ngành vật liệu xây dựng đã ghi nhận những kết quả. Đây chính là bước đệm định hướng diễn biến của ngành vật liệu xây dựng năm 2021?
Cà phê cuối tuần xin giới thiệu chia sẻ của ThS. Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng xung quanh bức tranh ngành vật liệu xây dựng năm 2020 và dự đoán diễn biến năm 2021?
PV: Covid-19 đã tác động đến mọi lĩnh vực, trong đó có ngành vật liệu xây dựng. Nhìn lại kết quả hoạt động của gần 1 năm qua, ông thấy gì từ những con số?
Ông Phạm Văn Bắc: Kết quả báo cáo 10 tháng đầu năm của ngành vật liệu xây dựng cho thấy, dù trải qua Covid-19 và ảnh hưởng trầm lắng của thị trường bất động sản, nhưng các con số ghi nhận rất khả quan. Tất cả các sản phẩm vật liệu xây dựng vẫn đang sản xuất ổn định, dù năng suất và sản lượng có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đa phần đều tăng trưởng dương.
Riêng lĩnh vực xi măng không chỉ duy trì sự ổn định sản xuất trong nước mà còn tiếp tục xuất khẩu. Mặc dù thị phần trong nước có giảm so với năm ngoái nhưng ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu tăng. Các lĩnh vực vật liệu chủ yếu như xi măng, thủy tinh, gạch gốm ốp lát, sứ vệ sinh… sản xuất và tiêu thụ tốt.
PV: Kết quả kinh doanh khả quan của ngành vật liệu xây dựng trong năm 2020 bất chấp diễn biến của dịch Covid-19 phải chăng đến từ bước đệm tăng trưởng ổn định trước đó?
Ông Phạm Văn Bắc: Ngành vật liệu xây dựng đã có những bước chuyển mình rất tốt trong nhiều năm qua. Đó là kết quả tích cực không thể không ghi nhận.
Trước năm 2010, Việt Nam vẫn còn là nước cần nhập khẩu xi măng. Chỉ sau 10 năm, đến nay, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu xi măng với sản lượng hàng đầu trên thế giới. Lợi thế của chúng ta là có sẵn những nguyên liệu đầu vào như đá vôi, đất sét. Điều này giúp ngành sản xuất xi măng duy trì sản lượng ổn định.
Về sản xuất gạch ốp lát, Việt Nam đang sở hữu nền công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ sản xuất cốt liệu khô, in, phun... Đó là những công nghệ tiên tiến hiện nay để tạo ra các sản phẩm vừa có giá trị kinh tế cao, không chỉ thay đổi mẫu mã nhanh, đẹp mà còn tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu.
Về lĩnh vực kính, các doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất kính siêu trắng, siêu phẳng để làm pin năng lượng mặt trời. Đây là nguyên liệu cho sản xuất các ngành sau kính như kính tiết kiệm năng lượng, kính hộp.
Đặc biệt, mới đây, doanh nghiệp vật liệu xây dựng còn sản xuất loại kính siêu mỏng để làm màn hình cảm ứng cho các thiết bị di động, ti vi… Các sản phẩm theo công nghệ hiện đại đã được sản xuất tại Việt Nam.
Những kết quả này cho thấy sự phát triển vượt bậc của ngành vật liệu xây dựng tại Việt Nam.
PV: Ông đánh giá như thế nào về khả năng thích ứng, bắt nhịp với công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng?
Ông Phạm Văn Bắc: Tình hình xuất khẩu nhiều sản phẩm với số lượng lớn của ngành vật liệu xây dựng ra nước ngoài là một phần chứng minh rõ nét nhất cho sự thích ứng của các doanh nghiệp Việt.
Bằng những số liệu cụ thể như xuất khẩu hàng năm tăng lên, nhập khẩu có xu hướng giảm đi của các sản phẩm vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp Việt tiếp tục khẳng định mạnh mẽ tên tuổi của mình tại những thị trường khó tính.
Ngay cả trong bối cảnh mới, với Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, doanh nghiệp cũng thích ứng rất tốt với định hướng mới đề ra.
PV: Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phê duyệt tại Quyết định 1266/QĐ-TTg vào ngày 18/8/2020. Thưa Vụ trưởng, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Chiến lược này đối với ngành vật liệu xây dựng trong bối cảnh hiện nay?
Ông Phạm Văn Bắc: Trước hết, tôi muốn chia sẻ về bối cảnh ra đời của Chiến lược phát triển này.
Thực tế, từ trước đến nay, ngành vật liệu chưa có chiến lược phát triển, chỉ có quy hoạch vật liệu xây dựng ở Trung ương và địa phương. Nếu muốn phát triển bền vững bất kỳ một ngành nào, không riêng ngành vật liệu, tất cả đều cần chiến lược phát triển một cách bài bản, lâu dài. Chiến lược phát triển đó chính là định hướng về lâu dài cho sự phát triển của một ngành.
Trong thời gian vừa qua, Luật Quy hoạch mới đã ra đời. Sự tác động của Luật Quy hoạch đã loại bỏ toàn bộ những quy hoạch sản phẩm hàng hóa trong đó có vật liệu xây dựng. Chính vì vậy, khi vật liệu xây dựng không trở thành sản phẩm được đề cập trong Luật Quy hoạch sẽ tạo ra một khoảng trống về mặt pháp lý trong quá trình quản lý, giám sát, đầu tư và định hướng phát triển.
Trong tình hình đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho Bộ Xây dựng thực hiện Chiến lược phát triển Vật liệu xây dựng. Trên tinh thần đó, Bộ Xây dựng tích cực nghiên cứu, xây dựng chiến lược, cuối năm 2019 đã trình với Chính phủ.
Qua quá trình kiểm duyệt, soát xét, đến ngày 18/8/2020, Chính phủ đã ký phê duyệt ban hành quyết định số 1266/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050.
PV: Với Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam, Bộ Xây dựng sẽ giải quyết những vướng mắc nào của ngành vật liệu xây dựng đang tồn đọng thưa ông?
Ông Phạm Văn Bắc: Chiến lược mang tính chất là định hướng. Định hướng của chiến lược vật liệu xây dựng nhằm phát triển với công nghệ tiên tiến, công nghệ hiện đại và tận dụng tối đa chất thải của các ngành công nghiệp khác để làm nguyên, nhiên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Chiến lược xác định hạn chế đến mức tối thiểu sử dụng tài nguyên không tái tạo để đưa vào sản xuất. Như vậy, Chiến lược định hướng phải phát triển đầu tư một cách có quy hoạch, hệ thống và đầu tư công nghệ cao, thiết bị hiện đại.
Trong những năm tới, với định hướng đã được đề ra, các công nghệ lạc hậu sẽ từng bước bị loại bỏ và thay thế bằng các công nghệ mới. Ví dụ như hiện tại, chúng ta đang tiến tới xóa bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất xi măng bằng công nghệ lò đứng. Hay công nghệ sản xuất gạch đỏ bằng công nghệ lò thủ công đã bị loại bỏ. Ở một số địa phương, nếu còn tồn tại sẽ được tiếp tục xóa bỏ.
Nếu đảm bảo được tốc độ này, chỉ 5 - 10 năm nữa, sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ lạc hậu sẽ không còn tồn tại trên toàn quốc. Chúng ta sẽ đi theo hướng của công nghệ hiện đại, thiết bị hiện đại, làm ra sản phẩm vừa có chất lượng, vừa có giá trị kinh tế cao.
Chiến lược cũng chỉ ra rõ ràng phải đảm bảo về mặt môi trường trong quá trình sản xuất vật liệu xây dựng, làm ra những sản phẩm có chất lượng cao, giá trị gia tăng cao, đáp ứng được nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu.
Đó là những định hướng lớn trong sự phát triển của ngành. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, không thể tránh khỏi nhiều vấn đề đột ngột phát sinh. Mặt khác còn xảy ra các vấn đề trong quá trình tổ chức thực hiện. Nếu phát hiện những điều chưa phù hợp, bất hợp lý thì chúng ta cần chỉnh sửa một cách cụ thể.
Những vấn đề lớn cần phải xuyên suốt nhưng những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện thì cần bổ sung, chỉnh sửa. Chiến lược là rường cột, xương sống để cho định hướng phát triển của ngành vật liệu xây dựng luôn được đảm bảo đi theo đúng hướng, lộ trình đã đề ra.
Đối với hành lang pháp lý để phát triển vật liệu xây dựng, chúng ta cần bổ sung thêm những chính sách, tính pháp lý cho việc đầu tư phát triển vật liệu xanh, vật liệu sử dụng các chất thải, phế thải để sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Mục tiêu là làm sao sử dụng vật liệu có tác dụng giảm ô nhiễm môi trường và đồng thời giảm được nguyên liệu là tài nguyên không tái tạo trong tự nhiên. Mục tiêu này nhằm đảm bảo vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa đáp ứng về môi trường và hiệu quả cho tác động xã hội.
PV: Có quan điểm cho rằng, sự phát triển của thị trường bất động sản ảnh hưởng lớn đến ngành vật liệu xây dựng. Quan điểm của ông thì sao?
Ông Phạm Văn Bắc: Diễn biến của thị trường bất động sản sẽ tác động đến ngành vật liệu xây dựng.
Điển hình như năm 2019, so với những năm trước, tốc độ khởi công các dự án bất động sản bị hạn chế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến một phần thị trường vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, ngành vật liệu xây dựng còn nhiều sản phẩm khác nhau và tốc độ tăng trưởng vẫn ổn định.
PV: Ông dự đoán như thế nào về diễn biến của ngành vật liệu xây dựng trong năm 2021?
Ông Phạm Văn Bắc: Rõ ràng, với kết quả kinh doanh của ngành vật liệu xây dựng như hiện nay, trong năm tới vẫn có thể đảm bảo tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định. Theo dự báo, năm 2021, ngành vật liệu xây dựng đứng trước hai nguồn cầu lớn.
Thứ nhất là vấn đề khắc phục sự cố lũ lụt ở miền Trung và sạt lở ở miền núi trong giai đoạn vừa qua. Điều này cần phải dùng đến số lượng vật liệu rất lớn để đáp ứng cho xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng.
Cùng với đó là quyết định chủ trương đầu tư của Chính phủ trong việc đầu tư công của các dự án cuối năm 2020.
Vấn đề thứ hai, theo dự báo, thị trường bất động sản đang có chiều hướng phục hồi tốt. Điều này dẫn đến đầu tư bất động sản tăng lên kéo theo việc sử dụng vật liệu vào các công trình cũng tăng lên. Đó là những yếu tố có thể đánh giá thị trường sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng tương đối khả quan so với các nước khác trong khu vực.
PV: Là cơ quan đầu ngành, xin ông cho biết Vụ Vật liệu xây dựng đã và đang có những động thái ra sao để hỗ trợ phát triển ngành vật liệu xây dựng?
Ông Phạm Văn Bắc: Trong những năm qua, Vụ Vật liệu xây dựng đã tham mưu với Chính phủ cũng như Bộ Xây dựng ban hành các chính sách có liên quan như: xây dựng Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng hay tham mưu để xây dựng Đề án bảo vệ an ninh kinh tế trong lĩnh vực vật liệu xây dựng; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP và một số văn bản quy phạm pháp luật khác.
Vừa qua, Vụ đã tổng kết Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung tiến tới đề xuất với Chính phủ tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung giai đoạn 2021 - 2030.
Đặc biệt, trong những năm vừa qua, Vụ Vật liệu xây dựng đã tham mưu với Chính phủ ban hành Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1696 hay Quyết định 452.
Đó là những động thái vô cùng thiết thực của cơ quan tham mưu như Vụ Vật liệu xây dựng đối với Bộ Xây dựng và Chính phủ trong việc phát triển vật liệu xanh, vật liệu thân thiện với môi trường.